Nâng cao văn hóa an toàn người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh
(Cập nhật: 24/3/2023)
Với mục tiêu “Lấy người bệnh làm trung tâm”, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh liên tục xây dựng các giải pháp cải tiến chất lượng theo 6 tiêu chí An toàn người bệnh của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) góp phần giảm thiểu những nguy cơ có hại tới người bệnh liên quan đến chăm sóc y tế. Điều này được cam kết thực hiện mạnh mẽ từ Ban giám đốc, đến từng cán bộ viên chức, người lao động (CBVC-NLĐ) bệnh viện.
An toàn người bệnh (ATNB) là sự phòng ngừa tổn thương, các sự cố y khoa có thể gây nguy hại cho người bệnh trong quá trình chăm sóc điều trị. Nguyên tắc hàng đầu của thực hành y khoa là “Điều đầu tiên không gây tổn hại cho người bệnh - First Do No Harm to patient”, đây là điều trăn trở đối với người hành nghề khám chữa bệnh và đã có những sự kiện y tế gây tâm lý bất an cho cả người sử dụng và người cung cấp dịch vụ y tế. Mặc dù những sai sót và sự cố này không ai muốn và không ai chấp nhận nhưng nó vẫn xảy ra hàng ngày. Vì vậy, đảm bảo an toàn cho người bệnh là trách nhiệm của các cơ sở y tế, các nhà quản lý và cũng là sứ mệnh của mọi thầy thuốc và nhân viên y tế.
Bệnh viện phát động hưởng ứng ngày An toàn người bệnh Thế giới năm 2022
Trong nhiều năm qua, an toàn người bệnh là một vấn đề luôn được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh chú trọng quan tâm và đặt lên hàng đầu. Với mục tiêu thay đổi nhận thức, hành động của bác sĩ, nhân viên y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn người bệnh gồm các nội dung:
1. Xác định chính xác người bệnh, tránh nhầm lẫn trong cung cấp dịch vụ
- Trong quá trình chăm sóc, điều trị trực tiếp, nhân viên y tế sử dụng ít nhất 3 trong 5 yếu tố nhận dạng để xác định chính xác người bệnh như: Họ tên đầy đủ, tuổi (ngày tuổi/ tháng tuổi hay tuổi theo năm), giới tính, địa chỉ và số hồ sơ. Không sử dụng số giường, số phòng để làm thông tin xác định người bệnh, nguy cơ nhầm lẫn cao.
- Nhân viên y tế tại bệnh phòng sử dụng các câu hỏi mở đối với người bệnh/ thân nhân bệnh nhân (trong trường hợp người bệnh không thể nói, không tỉnh táo, trẻ nhỏ không thể cung cấp thông tin cá nhân chính xác) để kiểm tra thông tin, định danh người bệnh.
- Bệnh viện sử dụng vòng đeo tay định danh người bệnh với các thông tin được in rõ ràng, gồm: Họ tên, địa chỉ, ngày sinh, cùng số mã vạch.
Vòng tay nhận diện bệnh nhân tại Bệnh viện.
2. Cải thiện giao tiếp, truyền đạt thông tin hiệu quả
- Hàng năm, Bệnh viện tổ chức các lớp tập huấn, rèn luyện kỹ năng giao tiếp ứng xử cho 100% đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện do đội ngũ chuyên gia của các Trung tâm nghiên cứu, cải tiến y tế uy tín giảng dạy. Đồng thời xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức phát động các phong trào thi đua triển khai thực hiện Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, Quy tắc ứng xử gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong mọi hoạt động chuyên môn nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thái độ, ý thức trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể khoa/phòng trong toàn bệnh viện.
Bệnh viện tổ chức lớp tập huấn thay đổi phong cách thái độ phục vụ cho các cán bộ, nhân viên y tế
- Triển khai thực hiện các quy trình thao tác chuẩn (S.O.P), bảng kiểm.
- Khi giao tiếp giữa nhân viên y tế với nhau: Thực hiện y lệnh qua hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án điện tử đầy đủ, chính xác; hạn chế y lệnh miệng/y lệnh qua điện thoại. Thực hiện chuẩn hóa danh mục các từ rút gọn, viết tắt.
3. Đảm bảo an toàn trong dùng thuốc
- Bệnh viện tổ chức các buổi tập huấn sử dụng thuốc an toàn, không gây hại cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế trong toàn viện. Công tác bảo quản, cấp phát thuốc đảm bảo đúng quy trình. Thuốc có nguy cơ gây hại cao và thuốc “nhìn giống nhau” hoặc “nghe giống nhau” được khoa Dược hướng dẫn phân biệt rõ ràng, cụ thể, không để nhầm lẫn.
- Kê đơn áp dụng theo đúng Thông tư TT 52/2017/TT – BYT của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.
- Thông tin thuốc: Thường xuyên kiểm tra thông tin, chất lượng, hạn sử dụng của thuốc.
- Theo dõi sai sót trong sử dụng thuốc: Khoa Dược thường xuyên, tích cực báo cáo phản ứng có hại của thuốc ADR, ME và triển khai tập huấn, hướng dẫn thực hành cho toàn bộ nhân viên y tế.
Tập huấn sử dụng thuốc an toàn, không gây hại
4. Đảm bảo an toàn trong phẫu thuật, thủ thuật
- Quy trình thực hiện phẫu thuật, thủ thuật tuân thủ nguyên tắc đúng người bệnh, đúng vị trí phẫu thuật và đúng loại phẫu thuật dự kiến thực hiện cho người bệnh.
- Thực hiện duy trì và giám sát tuân thủ sử dụng bảng kiểm an toàn phẫu thuật.
Phẫu thuật đảm bảo an toàn cho người bệnh.
5. Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện
- Cung cấp đầy đủ các phương tiện cần thiết, sẵn sàng dung dịch sát khuẩn để bảo đảm vệ sinh tay trên các bàn khám bệnh, các xe tiêm, xe làm thủ thuật, lối ra vào phòng bệnh…
- Dán các bảng hướng dẫn cách rửa tay tại các bồn rửa tay.
- Giám sát tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế và phản hồi với người phụ trách về việc thực hiện của nhân viên hoặc theo dõi số lượng cồn sát khuẩn tay.
- Tuân thủ các phòng ngừa cách ly để đảm bảo an toàn cho cả người bệnh và nhân viên y tế. Thực hiện các thực hành về phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa lây nhiễm theo đường tiếp xúc, theo đường giọt bắn, theo không khí.
Tổ chức phát động phong trào "Bảo vệ sự sống, hãy vệ sinh tay".
- Tuân thủ nghiêm các quy định về vô khuẩn khi làm thủ thuật xâm lấn: Dụng cụ y tế đảm bảo vô khuẩn cho tới khi sử dụng trên người bệnh, tuân thủ các kỹ thuật vô khuẩn trong khi tiến hành các thủ thuật xâm lấn, thực hiện đúng qui trình khử nhiễm, làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ y tế.
- Thực hiện các giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện: Giám sát người bệnh nhiễm khuẩn, giám sát vi khuẩn kháng thuốc, giám sát sử dụng kháng sinh hợp lý.
6. Giảm nguy cơ té ngã tại Bệnh viện
Bệnh viện tổ chức đánh giá nguy cơ dẫn đến té ngã của từng người bệnh liên quan đến tuổi, tình trạng bệnh, thuốc, phương pháp điều trị để can thiệp và triển khai các biện pháp phòng ngừa té ngã chủ động như: lắp đặt chuông báo động tại giường, trong các nhà vệ sinh, lối ra vào, hạn chế việc mở cửa sổ; đặt biển cảnh báo và sử dụng thảm lót sàn tại khu vực trơn trượt, sử dụng giường thấp và có thanh chắn giường cho những người bệnh có nguy cơ ngã; hướng dẫn bệnh nhân và gia đình về phòng ngừa ngã khi vào viện; hành lang các khoa có thanh lan can hỗ trợ bệnh nhân di chuyển; có nhà vệ sinh riêng cho người hạn chế vận động, người khiếm thị...
7. Nâng cao văn hóa an toàn người bệnh
Để AN TOÀN NGƯỜI BỆNH được thực hiện một cách hiệu quả và có chất lượng, cần nâng cao nhận thức, hành động của từng cán bộ, nhân viên y tế trong mỗi khoa/phòng, từ đó tạo dựng văn hóa “An toàn người bệnh” trong bệnh viện với các nội dung triển khai:
- Tổ chức lễ phát động kêu gọi toàn thể cán bộ viên chức, người lao động trong bệnh viện hưởng ứng Ngày lễ an toàn người bệnh Thế giới, nghiêm túc tuân thủ các quy định nhằm đảm bảo an toàn người bệnh, góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện, nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị bệnh. Tổ chức lớp tập huấn nâng cao kỹ năng về “An toàn người bệnh”, giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế với người bệnh nhằm thay đổi nhận thức và hành động.
- Khuyến khích báo cáo sự cố, phân tích giải quyết nguyên nhân gốc rễ. Sáng kiến cải tiến và các hình thức khen thưởng động viện kịp thời.
- Đa dạng các kênh báo cáo: Báo cáo qua phần mềm điện thoại, online, báo cáo giấy...
- Tăng cường kiểm tra giám sát các khoa trong triển khai thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn người bệnh.
- Đầu tư thêm các nguồn lực: Đào tạo nhân viên y tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hỗ trợ người bệnh.
Để mỗi người bệnh đến với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đều được giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn cao nhất, mỗi nhân viên, mỗi khoa phòng xây dựng cho mình văn hóa “An toàn người bệnh”, hạn chế các nguy cơ sự cố y khoa có thể xảy ra, nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân./.
Bs. CKI Phạm Quang Huy – Phòng Quản lý chất lượng
(Lượt đọc: 613)
Tin tức liên quan
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tổ chức sinh hoạt khoa học về mô hình hỗ trợ trong công tác dược lâm sàng
- Bệnh viện ĐK tỉnh Quảng Ninh triển khai hiệu quả kỹ thuật thay khớp vai nhân tạo: Khôi phục tốt vận động cánh tay cho người bệnh
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh mít tinh kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3
- Nỗ lực phòng ngừa thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh
- Ưu việt của kỹ thuật đốt sóng cao tần RFA trong điều trị ung thư gan
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tổ chức đào tạo phương pháp dạy học lâm sàng cho bác sĩ, nhân viên y tế
- Ký kết tiếp nhận sinh viên trường Đại học Y dược Hải Phòng đến thực tế tốt nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh
- Hội thi Duyên dáng áo dài Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh 2023: Tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ ngành y
- Tiếp đoàn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đến giao lưu học tập kinh nghiệm về Bệnh án điện tử
- Tuổi trẻ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh sôi nổi ra quân hưởng ứng Tháng thanh niên 2023
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều