Đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho cụ ông 90 tuổi có giải phẫu mạch máu bất thường hiếm gặp
(Cập nhật: 29/7/2022)
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa can thiệp cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn cho một trường hợp bệnh nhân 90 tuổi bị block nhĩ thất với bất thường về giải phẫu tĩnh mạch chủ trên bên trái hiếm gặp. Ca can thiệp thành công giúp trái tim bệnh nhân cao tuổi phục hồi nhịp đập khỏe mạnh.
Ca bệnh đặc biệt này là ông Cao Xuân Đ. (90 tuổi) ở phường Dương Huy, TP Cẩm Phả. Theo gia đình cho biết, bệnh nhân khi đi nhổ răng, bất ngờ bị ngất, mất ý thức, không kèm co giật, nôn, sốt và tỉnh lại ngay sau đó, không có tình trạng đau tức ngực hay tê yếu nửa người. Bệnh nhân từng ngất một lần trước đó nên gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả thăm khám. Hội chẩn trực tuyến trên nhóm Tim mạch Quảng Ninh, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị block nhĩ thất cấp II-Mobit II (2/1) có ngất và đã được xử trí ban đầu. Khi tình trạng lâm sàng ổn định, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, nơi có chuyên khoa sâu về tim mạch để tiếp tục điều trị.
Block nhĩ thất là một bệnh lý rối loạn nhịp chậm nguy hiểm. Về bản chất, bệnh này do rối loạn dẫn truyền xung động, xảy ra do sự tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn dẫn truyền xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng co bóp của tim, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy, các bác sĩ đã chỉ định cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn nhằm phục hồi lại nhịp đập khỏe mạnh cho trái tim người bệnh.
Hình minh họa tĩnh mạch chủ trên bên trái (LSVC)
Sau khi được chuyển lên phòng can thiệp, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân Đ. có đặc điểm giải phẫu bất thường là tồn tại tĩnh mạch chủ trên bên trái (Persistent Left Superior Vena Cava: PLSVC). Tình trạng này được chẩn đoán khi tĩnh mạch đưa máu trở về từ phần trên của cơ thể đến phía bên phải của tim, gọi là tĩnh mạch chủ trên, được quan sát ở bên trái thay vì bên phải. Với đặc điểm giải phẫu bất thường như vậy đã tạo ra rất nhiều thách thức, khó khăn đối với các bác sĩ can thiệp tim mạch trong việc tạo nhịp thất phải cho người bệnh vì đường đi rất “lắt léo”. Các nghiên cứu về cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn ở nhóm bệnh nhân này còn ít và thường chỉ là các báo cáo ca lâm sàng. Tuy nhiên với kinh nghiệm chuyên môn vững vàng, kíp can thiệp do Ths.Bs Phan Thanh Nghĩa phụ trách đã thực hiện thành công việc đặt điện cực thất phải và điện cực nhĩ phải cho bệnh nhân ở vị trí tối ưu sau 2 tiếng can thiệp. Hiện các thông số kỹ thuật của máy ổn định, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tích cực.
Ths.Bs Phan Thanh Nghĩa – Trưởng kíp Can thiệp rối loạn nhịp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Tồn tại tĩnh mạch chủ trên bên trái là một bất thường mạch máu bẩm sinh rất hiếm gặp, tỷ lệ ở khoảng 0,3-0,5% dân số. Việc cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn cho bệnh nhân có bất thường mạch máu rất khó khăn vì giải phẫu phức tạp. Ở bệnh nhân Đ, tĩnh dưới đòn trái đổ về tĩnh mạch chủ trên bên trái và thông vào xoang tĩnh mạch vành giãn rộng, rồi đổ vào nhĩ phải sau đó qua van 3 lá vào thất phải. Với đường đi “quanh co, khúc khuỷu” như vậy là thách thức, trở ngại rất lớn đối với việc tạo nhịp thất phải ở bệnh nhân này. Để khắc phục các khó khăn về kỹ thuật do bất thường giải phẫu đặt ra, chúng tôi đã tạo hình stylet với các kiểu cong đặc biệt (hình chữ C hoặc chữ J) nhằm trợ giúp hữu hiệu cho việc lái dây điện cực tạo nhịp qua vòng van ba lá để vào tâm thất phải. Đối với dây điện cực nhĩ phải thì dễ dàng, thuận lợi hơn. Rất mừng là với sự nỗ lực của cả ê-kíp, vị trí các dây điện cực của máy tạo nhịp vĩnh viễn đều bám rất chắc vào cơ tim và có các thông số kỹ thuật rất tốt. Sức khỏe bệnh nhân cũng tiến triển tích cực ngay sau can thiệp và được xuất viện sau 1 tuần điều trị”.
Cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn là phương pháp điều trị đặc hiệu đối với các rối loạn nhịp chậm không có khả năng hồi phục và có các triệu chứng trên lâm sàng. Đây là phương pháp tim mạch can thiệp tối thiểu qua đường mạch máu (từ tĩnh mạch dưới đòn trái hoặc phải), bác sĩ cấy ghép các dây điện cực vào tim (tâm nhĩ phải, tâm thất phải và có thể cả tâm thất trái), sau đó kết nối với thân máy tạo nhịp được vùi ngay dưới da vùng hạ đòn bên trái hoặc bên phải của người bệnh. Bệnh nhân được gây tê tại chỗ, hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình làm can thiệp nên quá trình hậu phẫu rất nhẹ nhàng.
Bác sĩ kiểm tra lại các thông số kỹ thuật của máy tạo nhịp vĩnh viễn cho bệnh nhân Đ. trước khi ra viện.
Kỹ thuật cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn được triển khai thường quy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh từ năm 2016 với hơn 100 ca được thực hiện thành công mỗi năm. Nhờ ứng dụng triển khai hiệu quả kỹ thuật này mà nhiều bệnh nhân bị rối loạn nhịp chậm (Hội chứng nút xoang bệnh lý, Block nhĩ thất); bệnh nhân mắc các hội chứng rối loạn nhịp di truyền (Hội chứng QT kéo dài bẩm sinh, Hội chứng Brugada…) hoặc những bệnh nhân suy tim nặng có mất đồng bộ giữa các buồng tim… tránh được biến chứng nguy hiểm, giảm nguy cơ đột tử và giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống về sau cho người bệnh. Đối với trường hợp của bệnh nhân Đ. là ca bệnh hiếm gặp, bởi vậy để có thể thực hiện thành công kỹ thuật này ngoài hệ thống máy móc, trang thiết bị tim mạch đồng bộ, hiện đại thì đòi hỏi đội ngũ bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực can thiệp về rối loạn nhịp tim mới có thể thực hiện tốt kỹ thuật này.
Thời gian tới, chuyên ngành Tim mạch của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật mới, như: Tạo nhịp bó His, cấy máy tạo nhịp tái đồng bộ cơ tim, máy khử rung tự động… nhằm giúp người dân trên địa bàn tỉnh, các vùng lân cận và du khách đến với Quảng Ninh được tiếp cận với những kỹ thuật y học tiên tiến hiện đại với chi phí điều trị hợp lý, hướng tới xây dựng một Trung tâm Tim mạch tuyến tỉnh uy tín hàng đầu khu vực phía Bắc, đóng góp vững chắc vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân./.
Bs. Phan Thanh Nghĩa - Hà Trang, phòng TT&HCQT
(Lượt đọc: 1458)
Tin tức liên quan
- Phối hợp các chuyên khoa phẫu thuật lấy thai cho sản phụ suy tim nặng
- Cẩn trọng với tai nạn bỏng gia tăng
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khắc ghi đạo lý ''Uống nước nhớ nguồn'' nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7
- Những điều cần biết về đậu mùa khỉ - căn bệnh WHO tuyên bố là tình trạng khẩn cấp toàn cầu
- Đại hội Chi bộ Phòng khám Đa khoa số 2 nhiệm kỳ 2022 – 2025
- Đại hội Chi bộ Văn phòng 2 lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022 – 2025
- Đại hội Chi bộ Cận lâm sàng I lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022 – 2025
- Đại hội Chi bộ Văn phòng 1 lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022 – 2025
- Hội nghị báo cáo đề án công tác và lấy phiếu giới thiệu tín nhiệm bổ nhiệm cán bộ năm 2022
- 800 lượt người dân vùng biên Móng Cái được khám và cấp phát thuốc miễn phí
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều